TRÁI TIM ME ̣TOÀN THẮNG
Chương 3 - Đáp Ứng Yêu Cầu Sau đây là diễn tiến việc Giáo Hội đáp ứng "yêu cầu" mà Mẹ Maria đã cho chung 3 Thiếu Nhi Fatima biết vào ngày 13/7/1917 và cho riêng chị Lucia biết vào ngày 13/6/1929. Điều “yêu cầu” của Mẹ Maria, tới lúc này, vẫn chưa được thực hiện đúng như ý của Thiên Chúa. Do đó, sự kiện “bằng không” mà Mẹ Maria tiên báo vẫn cứ tiếp tục xẩy ra trên thế giới. Năm 1961, nước Cuba đã theo chủ nghĩa CS dưới chế độ độc tài chuyên chính của Fidel Castro. Và, chỉ một chút nữa là thế chiến thứ ba, chiến tranh nguyên tử đã xẩy ra vào năm 1962, giữa Nga và Mỹ, khi Nikita Khrushchev, nhà cầm quyền của CS Nga Sô bấy giờ muốn biểu dương lực lượng vũ khí tối tân của mình ở Cuba. “Nước Nga sẽ gây chiến tranh” đúng như Đức Mẹ nói là như thế. DƯỚI GIÁO TRIỀU CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAOLÔ VI (21/6/1963-6/8/1978). Điều “yêu cầu” của Mẹ Maria, ngoài Đức Thánh Cha Piô XI và XII, không một vị Giáo Hoàng nào sau này được chị Lucia chính thức và trực tiếp trình lên bằng thư nữa. Cuộc đời của chị Lucia, một trong ba Thiếu Nhi Fatima còn sống sót, như Đức Mẹ nói, là vì “Chúa muốn dùng (chị) để làm cho Mẹ được nhận biết và yếu mến” (FILOW:195).Có thể chia cuộc đời của chị Lucia làm hai thời kỳ, thời kỳ làm tông đồ nổi và thời kỳ làm tông đồ chìm cho Mẹ. Thời kỳ làm tông đồ nổi cho Mẹ của chị kể từ năm 1925 cho đến năm 1948 là những năm chị trở thành nữ tu của dòng thánh Đôrôthêu, chị đã chính thức làm việc tông đồ cho Mẹ, bằng việc vâng lời đức giám mục viết ra bốn Hồi Niệm liên quan đến Sự Lạ Fatima, nhất là viết ra Bí Mật Fatima thứ ba và viết các bức thư đệ trình lên Đức Thánh Cha Piô XI và XII về việc hiệp cùng các giám mục trên thế giới để hiến dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Thời kỳ làm tông đồ chìm cho Mẹ của chị kể từ ngày 25-3-1948 là ngày chị được phép đặc biệt của Đức Thánh Cha Piô XII chuyển từ dòng thánh Đôrôthêô sang dòng kín Carmêlô của thánh Têrêsa, thời kỳ chị không còn cần phải tiết lộ thêm gì nữa về Sự Lạ Fatima, thời kỳ mà ngày 12/4/1970 chị đã viết cho một người bạn của chị là Dona Maria Teresa da Cunha như sau: “Tôi phải sống trong thinh lặng, nguyện cầu và thống hối. Có như vậy, tôi mới có thể giúp chị hơn bao giờ hết. Mọi việc tông đồ cần phải lấy điều này làm nền tảng; và đó là phần mà Chúa đã dành cho tôi: cầu nguyện và tự hy hiến cho những ai chiến đấu và hoạt động trong vườn nho của Chúa và cho Nước Ngài rộng mở...” Chính trong thời gian này Đức Mẹ lại đưa chị ra ánh sáng, qua Đức Thánh Cha Phaolô VI vào ngày 13-5-1967 cũng như qua Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II vào ngày 13-5-1982 và 13/5/1991. (Sự kiện 2 vị Giáo Hoàng đích thân đến linh địa Fatima, trong khi các nơi Đức Mẹ hiện ra khác cũng được Giáo Hội chính thức công nhận, như Lộ Đức, La Salette, Guađalup v.v. lại không được diễm phúc này, không phải là một sự xác nhận hùng hồn nhất của Giáo Hội về sự chân thật linh thiêng rất hệ trọng nơi những gì Đức Mẹ nói và làm tại Fatima này hay sao!) Ngày 13-5-1967, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã gửi đến Fatima Hoa Hồng Bằng Vàng với hàng chữ: “Phaolô VI, khẩn xin Mẹ Thiên Chúa bảo hộ Giáo Hội, xin dâng Hoa Hồng Bằng Vàng cho Đền Thánh Fatima, ngày 13-5-1967” (TYP:121), và chính Ngài cũng đã có mặt ở đó với những lời huấn từ sau đây: “Hỡi các con yêu qúi, trong lúc này đây, Ta cũng muốn hợp với các con dâng lên Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ của chúng ta lời nguyện cầu để xin Mẹ ghé mặt từ mẫu xuống trên thế giới còn quá cách xa Người Con Thần Linh của Mẹ, và để xin cho tất cả mọi người được hoàn toàn và thực sự hòa giải với Thiên Chúa”. Đức Thánh Cha Phaolô VI cũng là vị Giáo Hoàng đã chính thức tuyên xưng và công bố Mẹ Maria là “Mẹ Giáo Hội” vào buổi kết thúc kỳ họp thứ ba, ngày 21-11-1964, của Công Đồng Chung Vaticanô II, sau khi Hiến Chế Về Hội Thánh được chấp nhận. Cũng trong dịp này, Ngài đã tái dâng thế giới cho Mẹ: “...Cũng giống như vị tiền nhiệm của Ta là Đức Thánh Cha Piô XII đã hiến dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria khi thế giới đang trong lúc cực kỳ nguy biến... Ta cũng thế, nhận thấy sự bất chính trầm trọng hiện đang lấn át chúng ta, xin phó dâng loài người cho sự coi sóc của Mẹ Đồng Trinh” (TYP:122). Qua hành động lập lại việc hiến dâng của Đức Thánh Cha Piô XII vào ngày 21-11-1964 mà Đức Thánh Cha Phaolô VI đã làm, tuy có sự hiện diện của các vị giám mục trên thế giới đang tham dự Công Đồng Chung Vaticanô II bấy giờ, song rõ ràng là Nước Nga vẫn chưa được dâng hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, như Thiên Chúa mong muốn. Do đó, sự kiện “bằng không” vẫn tiếp tục diễn ra, nhất là ở Đông Nam Á. Với những trận đánh khốc liệt diễn ra ở Nam Việt như Mậu Thân vào năm 1968 hay Mùa Hè Đỏ Lửa vào năm 1972. Với Sát chiến Trường (Killing Field) Kampuchia do CS gây ra từ năm 1970. Để rồi, kết cục là cả Cam-Bốt, Nam Việt và Lào đã hoàn toàn lọt vào tay CS trong tháng 4 năm 1975. Đặc biệt, cũng trong giai đoạn này, phong trào “Thần Học Giải Phóng” chính thức xuất đầu lộ diện, qua tác phẩm “Thần Học Giải Phóng: Lịch Sử, Chính Trị và Ơn Cứu Rỗi” của linh mục dòng tên người Ba-Tây, Gustavô Gutiérrez, xuất bản năm 1973, một phong trào mà Giáo Hội, qua văn kiện thứ nhất (trong hai văn kiện liên quan tâm đến vấn đề này) của Thánh Bộ Đức Tin “Chỉ Dẫn Về Một Vài Phương Diện Của Thần Học Giải Phóng”, đã tỏ ra quan tâm đến sự kiện ảnh hưởng của CS nơi tư tưởng và phong trào Thần Học Giải Phóng này. Riêng Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, nhân chuyến công du mục vụ tại Mexicô năm 1979, khi ngỏ lời với các đức giám mục Mỹ Châu La-Tinh ở Puebla, dựa vào giáo thuyết của Đức Thánh Cha Phaolô VI, Ngài đã phải minh định ý nghĩa giải phóng theo Kitô giáo như thế này: “Trên tất cả, giải phóng (ở đây là giải phóng) khỏi tội lỗi và sự dữ, trong niềm vui nhận biết Thiên Chúa cũng như được Thiên Chúa biết đến”. (MCD:318) DƯỚI GIÁO TRIỀU CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN-PHAOLÔ II (16/10/1978-........) Lên ngôi với khẩu hiệu “Tất cả là của Mẹ” (Totus Tuus), được gợi hứng từ cuốn Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria của thánh Louis Marie Grignion de Monfort, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã thực hiện việc hiến dâng Nước Nga cho Đức Mẹ hai lần. Lần thứ nhất tại Fatima ngày 13-5- 1982, kỷ niệm đệ nhất chu niên ngày Đức Mẹ cứu Ngài khỏi bị ám sát chết, như chính Ngài nói: “Ta nhận thấy trong sự trùng hợp về ngày giờ, (Ngài bị ám sát ngày 13-5-1981, sau này, đi tông du ở đâu, chỗ của ngài trên máy bay luôn luôn trưng bày một ảnh Đức Mẹ Fatima),một lời mời gọi đặc biệt để đến nơi đây (Fatima)” (FT:245), và lần thứ hai ở trước Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Lần hiến dâng thứ nhất tại Fatima sau thánh lễ 3 tiếng đồng hồ, Đức Thánh Cha đã long trọng tái dâng thế giới và Nước Nga cho Mẹ như sau: “Hôm nay, Gioan-Phaolô II, kế vị thánh Phêrô, tiếp nối công cuộc của (các vị tiền nhiệm) Piô, Gioan và Phaolô, nhất là của công đồng chung Vaticanô II, hiện diện trước Mẹ của Con Thiên Chúa tại đền thánh của Mẹ ở Fatima đây. Để làm gì? Người đến đây khi xúc động đọc lại lời từ mẫu kêu gọi ăn năn, cải thiện, lời nài nỉ tha thiết của Trái Tim Mẹ Maria vang vọng từ Fatima 65 năm về trước. Phải, Người đọc lại với tâm hồn xúc động, vì Người thấy rằng đã có biết bao dân tộc và xã hội, biết bao Kitô hữu đi ngược lại với chiều hướng của sứ điệp Fatima. Tội lỗi đã gắn chặt với thế giới này như gia cư của nó, và Thiên Chúa càng ngày càng bị chối bỏ trong ý thức, tư tưởng và đường lối của con người... Vị kế vị Thánh Phêrô hiện diện ở đây hôm nay như một nhân chứng về nỗi khổ đau vô biên của nhân loại, chứng nhân về những tai biến chực chờ đang đe dọa các dân tộc và đại đồng nhân loại. Người đang ôm lấy những đau khổ này bằng trái tim nhân loại yếu đuối của mình, khi Người đặt mình trước mầu nhiệm của Trái Tim Từ Mẫu, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Nhân danh những khổ đau này, với nhận thức về sự dữ đang tràn lan khắp thế giới và về những đe dọa cho tất cả mọi người, mọi dân tộc và đại đồng nhân loại, vị kế vị thánh Phêrô hiện diện nơi đây với đức tin mãnh liệt vào Tình Yêu Cứu Độ bao giờ cũng mạnh hơn mọi sự dữ sẽ cứu vớt thế giới. Tâm hồn của Người quằn quại khi thấy tội lỗi thế giới và toàn khối tai biến đang như mây đen bao kín nhân loại, song cũng vui mừng trong hy vọng khi Người, một lần nữa, thực hiện điều mà các vị tiền nhiệm của Người đã làm là dâng hiến thế giới cho Trái Tim Mẹ, nhất là khi các Ngài dâng hiến cho Trái Tim Mẹ nhân dân đặc biệt cần phải dâng hiến. Làm như thế chẳng khác gì hiến dâng thế giới cho Đấng vô cùng Thánh Hảo. Sự Thánh Hảo này tức là sự cứu rỗi. Tức là tình yêu mạnh hơn sự dữ. Không có tội lỗi nào trên thế gian này có thể thắng vượt được Tình Yêu này...” Lần hiến dâng thứ nhất này của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, dù Ngài đã cố gắng gửi thư trước ngày Ngài đi Fatima để kêu mời các đức giám mục trên thế giới hợp lòng hợp ý với Ngài, cũng chưa thực sự và hoàn toàn được đúng như ý muốn của Thiên Chúa, vì có lẽ thư của Ngài “gửi quá trễ” (30 Days:13) đã không kịp đến tay các đức giám mục lúc Ngài thực hiện việc hiến dâng này. Phải chăng, do đó, Ngài đã lập lại một lần nữa việc hiến dâng khẩn thiết này vào dịp Thánh Tượng Mẹ Fatima đến toà thánh Rôma. Lần này, “các đức giám mục trên thế giới được loan báo kịp thời” (30 Days:14). Vì thư Ngài gửi đi từ ngày 8-12-1983, trong thư Ngài viết như sau: “Ngày 25-3-1983, chúng ta bắt đầu đặc biệt Mừng Kỷ Niệm Ơn Cứu Rỗi. Một lần nữa, Ta cám ơn qúi huynh đã hiệp với Ta khai mạc cùng một ngày mừng Năm Cứu Rỗi ở địa phận của qúi huynh. Lễ Trọng Truyền Tin mà trong chu kỳ phụng vụ nhắc nhở đến việc khởi sự công cuộc cứu rỗi nhân loại là một thời điểm thích đáng nhất cho việc khai mạc này... Qúi huynh thân mến, trong Năm Thánh Cứu Rỗi này, Ta muốn tuyên xưng quyền năng (cứu độ) này cùng với qúi huynh và với toàn thể Giáo Hội. Ta muốn tuyên xưng quyền năng cứu độ này nhờ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Thiên Chúa, Đấng đã cảm nghiệm được quyền năng cứu độ này ở một mức độ đặc biệt nhất. Những lời lẽ trong việc hiến dâng và phú thác Ta gửi kèm theo đây, với một chút thay đổi, vẫn giống như những lời mà Ta đã đọc tại Fatima ngày 13-5-1982. Ta tin chắc chắn là việc lập lại hành động (hiến dâng) này trong Năm Mừng Kỷ Niệm Ơn Cứu Rỗi đáp ứng với lòng mong ước của nhiều con tim muốn tái diễn chứng cớ về lòng sùng kính của họ đối với Trinh Nữ Maria và muốn phú thác cho Người những sầu thương của họ nơi những tệ hại hiện nay, những lo âu về những tai biến đang chực chờ ở tương lai, những dự liệu cho hòa bình và công chính ở riêng các dân nước cũng như của đại đồng nhân loại. Ngày lễ trọng Truyền Tin trong mùa chay năm 1984 là ngày thích đáng nhất cho việc cùng nhau chứng tỏ này. Ta xin cám ơn qúi huynh, vào ngày này, qúi huynh lập lại việc này với Ta, tùy theo cách thức nào mà qúi huynh cho là thích hợp nhất” (TYP:125-127) Sau đây là những lời hiến dâng thế giới và Nước Nga của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ ngày 25/3/1984: “Chúng con chạy đến với sự chở che của Mẹ, (ôi) Thiên Chúa Thánh Mẫu'. Khi thốt lên những lời ca nguyện mà Giáo Hội Chúa Kitô đã nguyện cầu qua bao nhiêu thế kỷ này, chúng con hôm nay đặt mình trước nhan Mẹ trong năm mừng kỷ niệm ơn cứu rỗi. Chúng con xin hợp với tất cả mọi chủ chăn trong Giáo Hội làm thành một thân thể và một tập đoàn, đúng như ý của Chúa Kitô muốn các tông đồ hiệp nhất với thánh Phêrô. Trong mối liên kết hiệp nhất này, chúng con đọc những lời hiến dâng mà chúng con muốn bao gồm một lần nữa hy vọng của Giáo Hội cũng như lo âu đối với thế giới ngày nay. Bốn mươi năm về trước, rồi 10 năm sau đó, tôi tớ của Mẹ là Đức Giáo Hoàng Piô XII, chứng kiến cảnh khổ đau của gia đình nhân loại, đã phó thác và hiến dâng cả thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, đặc biệt là nhân dân mà Mẹ yêu thương và quan tâm cách riêng. Cũng thế giới của mọi người và mọi dân tộc này trước mắt của con hôm nay đây, con xin lập lại việc phó thác và hiến dâng mà vị tiền nhiệm của con đã thực hiện ở Tòa Thánh Phêrô: thế giới của kỷ nguyên thứ hai đang kết thúc, thế giới tân tiến, thế giới của chúng con hôm nay! Ôi Mẹ của mọi người và mọi dân tộc, Mẹ biết rõ tất cả khổ đau và hy vọng của họ, với ý thức làm mẹ, Mẹ biết tất cả những giằng co giữa sự thiện và sự dữ, giữa ánh sáng và bóng tối, đang hành hạ thế giới tân tiến hôm nay, xin nhận lời kêu than mà chúng con được Thánh Linh khơi động trực tiếp dâng lên Trái Tim Mẹ. Với tình yêu của một Từ Mẫu và Tôi Tớ, xin hãy ôm lấy thế giới nhân loại của chúng con mà chúng con phú thác và hiến dâng cho Mẹ, vì chúng con đầy âu lo cho vận mệnh hiện tại và đời đời của mọi người và mọi dân tộc. Một cách đặc biệt, chúng con xin phú thác và hiến dâng cho Mẹ tất cả những người và những dân nước cần được phú thác và dâng hiến. Chúng con chạy đến với sự bảo hộ của Mẹ, Thiên Chúa Thánh Mẫu: xin đừng chê chối lời cầu xin chúng con dâng lên Mẹ trong cơn khẩn trương của chúng con”.(TYF:127-128). Về lần hiến dâng thứ hai, ngày 25/3/1984 này của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, chị Lucia đã lên tiếng như sau. Vào ngày 1/8/1989, chị đã nói với một người em bà con 60 tuổi của chị, Maria do Fetal Neves Rosa, là chị đã trả lời cho giám mục giáo phận Leiria về câu hỏi cuộc hiến dâng vừa qua của Đức Thánh Cha có được Thiên Chúa chấp nhận không, (vì Ngài không đề cập rõ ràng đến Nước Nga), rằng: “Có. Giờ đây việc ấy đã được thực hiện”. Chị còn nói thêm khi trả lời cùng một câu hỏi cho vị sứ thần toà thánh là “Thiên Chúa sẽ giữ lời củaNgài” (TRWL:46-47). Trong thư đề ngày 21-11-1989 gửi cho nguyệt san 30 Days, chị viết: “Thế là Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã thực hiện việc hiến dâng ngày 25-3-1984. Tôi tin rằng không có trục trặc gì ở đây cả, và điều quan trọng nhất chúng ta cần nhớ về việc hiến dâng là sự hiệp thông của toàn dân Chúa, như Chúa Kitô muốn và đã xin với Cha của Người...” (30 Days:13).Õ“Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã thực hiện việc hiến dâng ngày 25-3-1984”và “Thiên Chúa sẽ giữ lời của Ngài”. Nghĩa là, như Đức Mẹ nói với chị Lucia, “một khi yêu cầu của Mẹ được thực hiện, thì nước Nga sẽ trở lại và sẽ có hòa bình”. Quả thật, đúng một năm sau khi Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô thực hiện việc hiến dâng được Thiên Chúa chấp nhận này, thì Mikhail Gorbachev được bầu lên lãnh đạo đảng CS Liên Bang Sô Viết tháng 3-1985. Để rồi từ đó, thế giới nói chung và khối CS nói riêng, như đã đề cập đến ở chương một, "Hiện Tượng Nước Nga", bắt đầu thay đổi cho đến năm định mệnh 1989, năm mà chị Lucia tuyên bố “Thiên Chúa sẽ giữ lời của Ngài”. Quả thật, ngay sau khi chị Lucia tuyên bố điều này vào ngày 1-8-1989 thì chính phủ CS Ba-Lan đã bổ nhiệm một nhân vật thuộc Công Đoàn Liên Đới làm thủ tướng vào ngày 19/8/1989, đúng ngày Đức Mẹ hiện ra với ba Thiếu Nhi Fatima 72 năm về trước, 19-8-1917, tại Valinhos (chứ không phải tại nơi mà Mẹ vẫn hiện ra như 5 lần khác là Cova da Iria) vì lý do trở ngại từ chính quyền CS Bồ Đào Nha bấy giờ. |